Quy chế đào tạo
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định công tác đào tạo Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp và đào tạo thường xuyên bao gồm: tổ chức đào tạo; thi, kiểm tra đánh giá kết thúc mô đun, môn học, thi tốt nghiệp; điều kiện công nhận, xếp loại và cấp Bằng tốt nghiệp, Chứng chỉ.
2. Quy chế này áp dụng đối với tất cả Giáo viên; cán bộ quản lý dạy; học viên, học sinh, sinh viên (sau đây gọi là người học) thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật số 1 Nghệ An.
Điều 2. Chương trình, giáo trình đào tạo
1. Chương trình
a. Chương trình đào tạo thể hiện được mục tiêu đào tạo các trình độ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp và đào tạo Thường xuyên; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập đối với từng mô-đun, tín chỉ, môn học, từng chuyên ngành hoặc từng nghề và từng trình độ. Bảo đảm tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động; phân bố hợp lý thời gian giữa các khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; bảo đảm việc liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân;
b. Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp được xây dựng trên cơ sở quy định tại 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/03/2017 và 12/2017/TT- BLĐTBXH ngày 20/04/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình đào tạo trình độ Sơ cấp xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình đào tạo thường xuyên được xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/03/2022; Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH ngày 05/04/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c. Trường tổ chức biên soạn và phê duyệt chương trình đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
d. Chương trình đào tạo phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học. Những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học.
2. Giáo trình.
a. Giáo trình đào tạo các trình độ cao đẳng trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô-đun, tín chỉ, môn học trong chương trình đào tạo, tạo điều kiện để thực hiện phương pháp dạy học tích cực, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư số: 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/03/2017; 12/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/04/201; 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015; 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 và 34/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
b. Trường tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn và phê duyệt giáo trình đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên.
Điều 3. Thời gian khóa học và đơn vị thời gian trong chương trình đào tạo
Quy đinh tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô- đun hoặc tín chỉ được xây dựng trên cơ sở quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/03/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
1. Thời gian khóa học được tính theo năm học, kỳ học và theo tuần; được xác định tuỳ thuộc vào trình độ đào tạo và đối tượng tuyển sinh, cụ thể:
a. Cao đẳng:
- Thực hiện từ 02 đến 03 năm học và phải đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo từng ngành, nghề đào tạo là 60 tín chỉ;
- Thực hiện từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định hiện hành;
- Người học nghề có nguyện vọng học liên thông thì căn cứ vào điều kiện cụ thể, các khoa chuyên môn tham mưu nội dung và thời lượng các mô đun, môn học cần bổ sung để bố trí thời gian và kế hoạch hợp lý.
b. Trung cấp
- Thực hiện từ 01 đến 02 năm học và phải đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo từng nghề đào tạo là 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở.
c. Sơ cấp:
- Bậc 1 - Sơ cấp I tối thiểu là 5 (năm) tín chỉ, với số mô - đun đào tạo tối thiểu là 3 (ba) mô - đun và thời gian thực học tối thiểu là 300 (ba trăm) giờ chuẩn đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.
- Bậc 2 - Sơ cấp II tối thiểu là 15 (mười lăm) tín chỉ, với số mô - đun đào tạo tối thiểu là 9 (chín) mô – đun và thời gian thực học tối thiểu là 450 (bốn trăm năm mươi) giờ đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.
- Bậc 3 - Sơ cấp III tối thiểu là 25 (hai mươi lăm) tín chỉ, với số mô - đun đào tạo tối thiểu là 15 (mười lăm) mô – đun và thời gian thực học tối thiểu là 750 (bảy trăm năm mươi) giờ đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.
Khối lượng học tập lý thuyết và học tập thực hành tùy theo từng ngành, nghề đào tạo phải đảm bảo tỷ lệ: lý thuyết chiếm tối đa 25%; thực hành chiếm tối thiểu 75%.
d. Đào tạo thường xuyên:
Thời gian đào tạo đối với các chương trình đào tạo thường xuyên được thực hiện linh hoạt theo yêu cầu của từng chương trình và phù hợp với từng đối tượng người học.
2. Đơn vị thời gian trong chương trình đào tạo
Thời gian học tập được tính theo giờ và được quy ra đơn vị tín chỉ để xác định khối lượng học tập tối thiểu đối với từng cấp trình độ đào tạo, cụ thể như sau:
a. Một tín chỉ được quy định bằng 15 giờ học lý thuyết; bằng 30 giờ học thực hành, thí nghiệm tại Trường; bằng 45 giờ học thực hành thực tập sản xuất tại doanh nghiệp.
b. Một giờ học lý thuyết là 45 phút, một giờ học thực hành hoặc tích hợp là 60 phút.
c) Một ngày học thực hành/tích hợp không quá 8 giờ; một ngày học lý thuyết không quá 6 giờ.
d) Mỗi tuần học không quá 40 giờ chuẩn thực hành/tích hợp hoặc 30 giờ chuẩn lý thuyết (tùy diễn biến thực tế sẽ có sự điều chỉnh phù hợp).
3. Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình
a) Thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định, bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ hai đến ba năm học, không vượt quá 02 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới hai năm học, không bao gồm thời gian bảo lưu quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/03/2022;
b) Thời gian tối đa đối với người học cùng lúc hai chương trình bằng thời gian tối đa để hoàn thành chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất;
c) Hiệu trưởng có thể xem xét, quyết định kéo dài thời gian đào tạo tối đa đối với các trường hợp người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;
d) Thời gian tối đa đối với chương trình đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao có tính chất đặc thù do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quy định.
4. Thời gian tổ chức giảng dạy, học tập tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế được quy định cụ thể trong quy chế đào tạo của trường, do hiệu trưởng quyết định, đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Thời gian giảng dạy, học tập được thực hiện trong thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày, bao gồm cả ngày thứ 7 và chủ nhật, trừ các nội dung học tập đặc thù phải giảng dạy ngoài thời gian này mới đủ điều kiện thực hiện;
b) Thời gian giảng dạy, học tập bằng hình thức trực tuyến được thực hiện linh hoạt tùy theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng trường, do hiệu trưởng quyết định;
c) Thời gian giảng dạy, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp được thực hiện theo thỏa thuận giữa nhà trường và doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật về thời gian làm việc.
5. Thời gian học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục trung học phổ thông theo hình thức giáo dục thường xuyên không tính vào thời gian đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
Điều 4. Tổ chức đào tạo
a. Thời gian của một khoá học được tính từ khi nhập học đến khi người học hoàn thành việc thi tốt nghiệp và xét công nhận tốt nghiệp.
b. Một năm học được chia thành hai học kỳ, mỗi học kỳ có ít nhất 21 tuần thực học và từ 1 đến 1,5 tuần kiểm tra kết thúc các mô đun, môn học. Mỗi tuần không bố trí quá 30 giờ học lý thuyết hoặc 40 giờ học thực hành.
c. Căn cứ các chương trình đào tạo, các khoa lập kế hoạch phân bổ các mô đun, môn học cho từng năm học, từng học kỳ. Tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu theo thứ tự và điều kiện thực hiện các mô đun, môn học.
Đầu khoá học, phòng Đào tạo và các đơn vị liên quan tổ chức chỉnh huấn đầu khóa, thông báo cho học sinh về Quy chế đào tạo; nội dung và kế hoạch học tập của các chương trình đào tạo; nội dung chương trình đào tạo cho từng học kỳ; danh sách các mô đun, môn học, kế hoạch kiểm tra kết thúc các mô đun, môn học; thi tốt nghiệp; các bộ quy chế HSSV; các chế độ chính sách; các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của học sinh, sinh viên.
Điều 5. Đăng ký nhập học
1. Khi đăng ký nhập học người học phải nộp các giấy tờ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 của Thông tư số 05/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Giấy tờ khi người học nhập học phải được quản lý tại đơn vị thuộc trường hoặc được số hóa để quản lý bằng các phần mềm quản lý đào tạo nếu có.
2. Người học được tổ chức thành các lớp học theo các chương trình đào tạo và ngành nghề đào tạo cụ thể, phù hợp với từng hình thức tổ chức đào tạo do hiệu trưởng quyết định.
3. Người học được cấp thẻ học sinh, sinh viên để thuận tiện cho quản lý, theo dõi trong quá trình đào tạo. Khuyến khích các trường sử dụng thẻ học sinh, sinh viên điện tử để vừa thực hiện công tác quản lý đào tạo (thi, tra cứu kết quả học tập; học trực tuyến; sử dụng tại các thư viện điện tử, phòng máy tính, phòng thí nghiệm), vừa làm phương tiện thực hiện các giao dịch về tài chính (đóng học phí, nhận kinh phí, các giao dịch thương mại điện tử...) cũng như các giao dịch xã hội khác khi được chấp nhận.
4. Trường phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người học về mục tiêu, nội dung và kế hoạch học tập của chương trình, quy chế đào tạo, nghĩa vụ và quyền lợi của người học.
Điều 6: Công tác dạy và học
1. Giáo viên lên lớp phải phải đúng giờ; trang phục gọn gàng lịch sự, kín đáo, mang thẻ trong khi lên lớp; tác phong gương mẫu, cư xử hoà nhã đối với người học và có đầy đủ hồ sơ giảng dạy sau:
a. Giáo án soạn (theo mẫu quy định);
b. Kế hoạch giảng dạy (theo mẫu quy định);
c. Đề cương bài giảng hoặc giáo trình đã được phê duyệt;
d. Sổ tay giáo viên, sổ lên lớp (theo mẫu quy định)
2. Giáo viên phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
a. Hồ sơ giảng dạy của giáo viên gồm: Sổ lên lớp, Kế hoạch giảng, Giáo án, sổ tay được lưu trữ điện tử (theo thư mục của lớp đã được khai báo trước);
b. Thực hiện đúng các quy định về giảng dạy và quản lý đối với người học nghề (dạy lý thuyết thực hiện theo hiệu lệnh trống (chuông), thực hành nghỉ giải lao 1 lần giữa ca (thời gian nghỉ không quá 15 phút);
c. Giảng dạy đúng theo thời khoá biểu, kế hoạch giảng dạy, chương trình, đề cương môn học; kiểm tra, thi đúng Quy chế; không tự tiện thay đổi nội dung chương trình cũng như danh sách người học đã được bố trí (danh sách người học đã được niêm yết có ký xác nhận và chấm dấu của nhà trường do Phòng Đào tạo cung cấp);
d. Nộp bảng kết quả học tập và các hồ sơ liên quan về phòng Đào tạo và Khoa trước 12 ngày sau khi kết thúc mô đun, môn học;
e. Kiểm tra quản lý HSSV trong suốt thời gian giảng dạy học tập;
h. Nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các công tác an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp để tránh việc đáng tiếc xảy ra sau mỗi ca học thực hành, thực tế, ...
3. HSSV phải thực hiện đúng, đầy đủ các nội quy của nhà trường và quy định trong học tập như: Đi học đầy đủ, đúng giờ; trang phục gọn gàng lịch sự, đúng quy định; sử dụng tài liệu học tập, mang phù hiệu, mặc trang phục bảo hộ lao động khi học thực hành. Đóng nộp học phí và khác khoản khác theo quy định hiện hành.
Điều 7. Học cùng lúc hai chương trình
1. Điều kiện học cùng lúc hai chương trình
a) Người học có đơn đề nghị học cùng lúc hai chương trình;
b) Đã học xong học kỳ thứ nhất đối với chương trình có thời gian thực hiện từ một đến hai năm học, đã học xong học kỳ thứ hai đối với chương trình có thời gian thực hiện trên hai năm học. Kết quả học tập của từng học kỳ đã hoàn thành ở chương trình thứ nhất phải đạt loại khá trở lên;
c) Không trong thời gian tạm dừng chương trình đang học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Người học thuộc diện phải điều chỉnh tiến độ học hoặc bị buộc thôi học ở chương trình thứ nhất thì bị buộc thôi học chương trình thứ hai.
3. Thời gian để người học hoàn thành hai chương trình được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH.
Điều 8. Tạm dừng chương trình và bảo lưu kết quả học tập
1. Bảo lưu kết quả học tập là việc nhà trường giữ nguyên kết quả người học đã học và thi đạt yêu cầu đối với các môn học, mô-đun trong một khoảng thời gian nhất định khi người học được tạm dừng chương trình đào tạo. Kết quả học tập các môn học, mô-đun bảo lưu được tính khi xếp loại kết quả học tập và đánh giá xếp loại tốt nghiệp.
2. Người học được tạm dừng chương trình đang học và được bảo lưu kết quả học tập nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tham gia các kỳ thi, giải thi đấu quốc tế;
b) Vì lý do sức khỏe phải dừng học trong thời gian dài để điều trị, có giấy xác nhận của cơ sở y tế nơi khám, điều trị hoặc có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;
c) Chuyển nơi học từ trường này sang trường khác cùng ngành nghề đào tạo mà thời gian học ở trường khác có sự khác nhau về tiến độ;
d) Tham gia chương trình, dự án đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc do điều kiện, hoàn cảnh gia đình buộc phải dừng học tập;
đ) Trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập có thời hạn;
e) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nhưng không thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật ở mức buộc thôi học.
3. Thời gian được bảo lưu kết quả học tập không quá 5 năm tính từ khi dừng chương trình học tập và không tính vào thời gian tối đa hoàn thành khóa học. Người học có nhu cầu được bảo lưu kết quả học tập phải có đơn đề nghị hiệu trưởng xem xét, quyết định.
4. Người học được tạm hoãn học môn học, mô-đun theo kế hoạch đào tạo của trường và phải hoàn thành môn học, mô-đun đó trong quỹ thời gian tối đa hoàn thành chương trình nếu thuộc một hoặc các trường hợp sau:
a) Vì lý do sức khỏe không bảo đảm để học môn học, mô-đun đó và có giấy xác nhận của cơ sở y tế nơi khám hoặc điều trị;
b) Có lý do khác không thể tham gia học môn học, mô-đun đó, kèm theo minh chứng cụ thể và phải được hiệu trưởng chấp thuận;
5. Thời gian nghỉ học tạm thời được tính vào thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH.
6. Người học nghề được bảo lưu kết quả học tập nếu có đủ các điều kiện dưới đây:
- Đã hoàn thành ít nhất một mô đun, môn học.
- Đã đóng nộp tất cả các khoản chi phí theo quy định đến thời điểm xin bảo lưu kết quả học tập.
- Có đơn xin bảo lưu kết quả học tập, trình bày lý do chính đáng được đại diện gia đình, giáo viên chủ nhiệm, khoa, phòng Đào tạo xác nhận và được Hiệu trưởng nhà Trường ra quyết định đồng ý cho bảo lưu.
b. Thời gian bảo lưu: Người học nghề được bảo lưu kết quả học tập tối đa là 04 năm đối với trình độ Cao đẳng, 03 năm đối với trình độ Trung cấp và 01 năm đối với trình độ Sơ cấp đối với những nghề có thời gian đào tạo 06 tháng trở lên kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Không bảo lưu kết quả học tập cho những người học các nghề có thời gian đào tạo dưới 06 tháng.
Điều 9. Công nhận và miễn trừ nội dung học tập
1. Công nhận kết quả học tập
a) Kết quả học tập của người học đã tích lũy từ một chương trình đào tạo khác, trình độ đào tạo khác hoặc từ một trường khác trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp được xem xét công nhận trong chương trình đào tạo đang theo học không phân biệt hình thức đào tạo trực tiếp hay trực tuyến, cụ thể: Được miễn học, miễn thi kết thúc môn học, mô-đun trong trường hợp đã học, đã thi kết thúc môn học, mô-đun đó trong chương trình khác và có nội dung, thời lượng phù hợp với môn học, mô-đun trong chương trình đang học; được miễn học một phần nội dung học tập trong môn học, mô-đun và phải tham gia thi kết thúc môn học, mô-đun trong trường hợp đã học nội dung đó trong chương trình khác nhưng chưa dự thi kết thúc môn học, mô-đun hoặc thời lượng và nội dung môn học, môn đun trước đây chưa phù hợp với thời lượng và nội dung của môn học trong chương trình đào tạo hiện hành. Việc xác định nội dung và thời lượng được miễn học do hiệu trưởng quyết định;
b) Hiệu trưởng xem xét công nhận những nội dung kiến thức, kỹ năng người học đã có trên cơ sở so sánh, đối chiếu với những nội dung của chương trình đào tạo hiện hành;
c) Việc công nhận kết quả, nội dung học được thực hiện theo từng môn học, mô-đun hoặc cả chương trình đào tạo;
d) Các trường công khai quy định việc công nhận kết quả và nội dung học tập trong chương trình đào tạo.
2. Người học được miễn trừ nội dung học tập không phân biệt hình thức đào tạo trực tiếp hay trực tuyến khi thuộc một trong những trường hợp sau:
a) Được miễn, giảm học môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chương trình, tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng;
b) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn học Giáo dục Chính trị thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trình độ tương đương trở lên hoặc có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp chương trình trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên;
c) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn Ngoại ngữ thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trình độ tương đương trở lên hoặc đã có trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ được quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam hoặc có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp trình độ từ trung cấp ngoại ngữ trở lên;
d) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn Tin học thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp đã tốt nghiệp từ trình độ tương đương trở lên hoặc có kết quả kiểm tra đầu vào đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc có văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên nhóm ngành, nghề công nghệ thông tin;
đ) Được miễn học, miễn thi kết thúc môn học Giáo dục thể chất thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trong trường hợp là thương bệnh binh, có thương tật hoặc bệnh mãn tính làm hạn chế chức năng vận động; trong thời gian học tại trường đạt giải nhất, nhì, ba hoặc đạt huy chương trong các đợt thi đấu thể thao cấp ngành hoặc từ cấp tỉnh trở lên;
e) Có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật được hiệu trưởng xem xét, quyết định cho miễn, giảm một số môn học, mô-đun hoặc miễn, giảm một số nội dung mà khả năng cá nhân không thể đáp ứng được.
Điều 10: Chuyển nghề, chuyển trường
1. Chuyển nghề trong trường.
a. Người học nghề được chuyển nghề nếu có các điều kiện dưới đây:
- Chuyển trong thời gian học kỳ đầu tiên của khóa học;
- Lượng kiến thức, kỹ năng đã được học tại lớp nghề đang học nhiều hơn hoặc bằng số lượng môn học, mô đun mà lớp nghề sẽ chuyển đến đang học.
- Có đơn xin chuyển nghề và được đại diện gia đình; giáo viên chủ nhiệm; Khoa chuyển đến, chuyển đi; phòng Đào tạo đồng ý; Hiệu trưởng ra Quyết định cho chuyển nghề.
2. Chuyển trường.
a. Người học nghề được chuyển trường nếu có các điều kiện dưới đây:
- Trường xin chuyển đến có cùng hình thức tuyển sinh và có đào tạo nghề mà người học nghề đang theo học tại trường xin chuyển đi.
- Có đơn xin chuyển trường và được Hiệu trưởng trường xin chuyển đến đồng ý tiếp nhận và trường xin chuyển đi xác nhận.
b) Không trong thời gian điều chỉnh tiến độ học, bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên, bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Không chuyển trường khi đang học học kỳ cuối cùng của khóa học;
d) Khi chuyển sang trường nơi chuyển đến phải học đúng ngành, nghề đang học tại trường nơi chuyển đi.
3. Hiệu trưởng trường có người học xin chuyển đến quyết định việc tiếp nhận hoặc không tiếp nhận, người học ở trường nơi chuyển đến.
4. Thời gian tối đa cho người học chuyển trường hoàn thành chương trình được tính từ thời điểm nhập học ở trường nơi chuyển đi